Thời gian đầu trị vì Lưu Thông

Sau khi Lưu Thông tức vị, tôn Đan thị làm hoàng thái hậu, tôn mẹ Trương thị làm đế thái hậu, cho Lưu Nghệ làm hoàng thái đệ, lập thê là Hô Diên thị làm hoàng hậu, Hô Diên thị là em con chú bác của Lưu Uyên. Lưu Thông phong vương con là Lưu Xán, Lưu Dịch, Lưu Dực, Lưu Lý, cho Lưu Xán làm Phủ quân đại tướng quân, đô đốc trung ngoại chư quân sự. Thạch Lặc được bổ nhiệm làm Tịnh châu thứ sử, phong cấp quận công. Lưu Thông khiển sứ trao chức Bình viễn tướng quân cho tù trưởng người Đê Bồ Hồng, song người này không nhận.[4]

Cuối năm đó, Đan thái hậu qua đời, theo mô tả bà là người trẻ đẹp, Lưu Thông thông dâm với bà. Lưu Nghệ phát hiện ra mối quan hệ này và thường tra hỏi, Đan thái hậu do vậy hổ thẹn mà mất. Sự sủng ái của Lưu Thông đối với Lưu Nghệ dần suy giảm, song ông vẫn giữa Lý Nghệ làm thái đệ vì tình cảm với Đan thị. Tuy nhiên, Hô Diên hoàng hậu bắt đầu cố thuyết phục Lưu Thông lập Lưu Xán làm thái tử, ông bị thuyết phục và bắt đầu xem xét việc này.[4]

Lưu Thông tiếp tục gây sức ép lên Tấn và kinh thành Lạc Dương. Các tướng của ông, gồm Lưu Duệ, Lưu Xán, Thạch Lặc, và Vương Di tiếp tục đánh bại những đám quân Tấn mà họ chạm trán một cách dễ dàng, chiếm được nhiều thành và giết được nhiều quan của Tấn, song vẫn tiếp tục gặp khó khăn với việc giữ thành sau đó. Vào mùa xuân năm Tân Mùi (311), Thạch Lặc đánh bại đại quân Tấn tại Hoa Trung, trước vốn do Tư Mã Việt chỉ huy, đội quan này đang cố gắng đi về phía đông sau khi chủ tướng chết. Lạc Dương mất đi khả năng phòng thủ, và theo lệnh của Lưu Thông, đến mùa hè, Vương Di, Thạch Lăc, Lưu Diệu và Hô Diên Yến (呼延晏) đã hội quân về Lạc Dương, quân Hán Triệu chiếm được thành và bắt Tấn Hoài Đế, đưa Hoài Đế tới kinh thành Hán Triệu. Vương Di đề xuất dời đô về Lạc Dương, song Lưu Duệ phản đối và cho đốt cháy phần lớn Lạc Dương, sau đó Lưu Thông cũng không xem xét một cách nghiêm túc đề nghị của Vương Di. Tháo 10 ÂL, Thạch Lặc phục kích Vương Di tại một bữa tiệc và bắt giữ binh lính của Vương Di. Lưu Thông rất tức giận, khiển sứ trách mắng Thạch Lặc, song vẫn thăng Thạch Lặc làm Trấn Đông đại tướng quân, đốc Tịnh-U nhị châu chư quân sự, lãnh chức Tịnh châu thứ sử nhằm an ủi tư tưởng của Thạch Lặc.[4] Sau đó, trong khi bề ngoài vẫn thể hiện lòng trung thành với Hán Triệu, song thực tế Thạch Lặc trở nên độc lập.

Tháng 1 năm Nhâm Thân (312), Hô Diên hoàng hậu mất. Đến ngày Giáp Tuất (22) cùng tháng (15 tháng 2), Lưu Thông nạp con gái của Tư không Vương Dục và Thượng thư lệnh Nhâm Nghĩ làm tả, hữu chiêu nghi; trong khi nạp con gái của Trung quân đại tướng quân Vương Chương, Trung thư giám Phạm Long, Tả bộc xạ Mã Cảnh làm phu nhân; nạp con gái của Hữu bộc xạ Chu Kỉ làm quý phi. Khi Lưu Thông định nạp con gái của Thái bảo Lưu Ân (劉殷), Thái đệ Lưu Nghệ kiên quyết can ngăn do cùng họ, song Lưu Thông nghe theo lời Thái tể Lưu Diên Niên và Thái phó Lưu Cảnh rằng họ không chung tổ tiên, và vẫn cho hai con gái của Lưu Ân là Anh, Nga làm tả, hữu quý tần, địa vị trên cả chiêu nghi, Lưu Thông còn nạp bốn cháu gái của Lưu Ân, họ đều được phong làm quý nhân, địa vị sau quý phi. Từ thời điểm này trở đi, Lưu Thông được thuật lại là đã dành thời gian của mình trong hậu cung với sáu phi tần họ Lưu này, ít quan tâm đến chính sự.[5]

Cũng trong mùa xuân năm 312, Lưu Thông lập cựu hoàng đế Tấn làm Cối Kê quận công, cho làm Nghi đồng tam ty. Một lần, sau khi mời Cối Kê công đến dự tiệc, Lưu Thông bình luận rằng họ đang làm gì khi cựu hoàng đế vẫn còn là Dự Chương vương, dẫn đến một cuộc đàm luận, trong đó Hội Kê công khéo léo xu nịnh hoàng đế Hán. Lưu Thông sau đó ban một quý nhân họ Lưu cho Cối Kê quận công.[5]

Tháng 4 ÂL, Lưu Thông phong vương cho các hoàng tử Lưu Phu, Lưu Ký, Lưu Loan, Lưu Hồng, Lưu Mại, Lưu Quyền, Lưu Thao, Lưu Trì. Lưu Thông thấy việc cung cấp cá cua cho triều đình không đầy đủ nên cho xử trảm Tả đô thủy sứ- Tương Lăng vương Lưu Sư; do việc xây dựng hai cung Ôn Minh, Huy Quang chưa hoàn thành nên cho xử trảm công tước Cận Lăng. Khi Trung quân đại tướng quân Vương Chương (王彰) can gián Lưu Thông kiểm soát hành vi, Lưu Thông trở nên tức giận và ra lệnh trảm Vương Chương, song do Vương phu nhân khấu đầu cầu xin nên Lưu Thông chỉ cầm tù Vương Chương. Thái hậu Trương thị thấy Lưu Thông có hình phạt quá mức như vậy thì ba ngày không ăn, Thái đệ Lưu Nghệ và Thiền vu Lưu Xán cũng can gián. Sau đó, ông hối tiếc về hành động của mình nên xá tội và thăng chức cho Vương Chương.[5]

Tháng 6 ÂL, Lưu Thông muốn lập Quý tần Lưu Anh làm hoàng hậu, song Trương Thái hậu lại muốn lập Quý nhân Trương Huy Quang- một họ hàng xa của ông, Lưu Thông bất đắc dĩ chấp thuận, Lưu Anh mất không lâu sau đó.[5]

Vào mùa thu năm 312, dưới quyền chỉ huy của Lưu Xán và Lưu Diệu, quân Hán đại tướng quân Tấn dưới quyền Tịnh châu (并州, nay là bắc bộ và trung bộ Sơn Tây) thứ sử Lưu Côn- người từng là mối đe dọa cho Hán Triệu, chiếm trị sở của Lưu Côn tại Tấn Dương (晉陽, nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây). Sau đó Lưu Côn tái chiếm Tấn Dương với sự giúp sức của tù trưởng Tiên Ti là Đại công Thác Bạt Y Lô (拓跋猗盧).[5]

Ngày một tháng 1 năm Quý Dậu, Lưu Thông bày tiệc tiếp đãi quần thần ở Quang Cực điện, Lưu Thông ra lệnh cho Tấn Hoài Đế mặc thanh y rót rượu. Các cựu thần của Tấn là Dữu Mân (庾珉) và Vương Tuyển (王雋) thấy cảnh tượng này thì khóc rống lên. Điều này khiến cho Lưu Thông giận dữ, sau đó vu cáo Dữu Mân và Vương Tuyển và những người khác âm mưu đem Bình Dương dâng Lưu Côn. Ngày Đinh Mùi (1) tháng 2 (14 tháng 3), Lưu Thông cho giết Vương Tuyển cùng nhiều cựu thần của Tấn, cho giết Tấn Hoài Đế. Lưu phu nhân mà trước đây Lưu Thông tặng cho Hội Kê vương được phục làm quý nhân.[5]

Ngày Ất Hợi cùng tháng (11 tháng 4), Trương thái hậu qua đời. Cháu gái của bà là Trương hoàng hậu rất đau buồn và cũng qua đời trong cùng tháng. Sang tháng 3 ÂL, Lưu Thông lập con gái của Lưu Ân là Lưu Nga làm hoàng hậu, và ra lệnh xây một cung điện mới cho bà. Trần Nguyên Đạt (陳元達) cố gắng thuyết phục hoàng đế rằng việc này quá lãng phí, và Lưu Thông trong cơn giận dữ đã ra lệnh giết chết Trần Nguyên Đạt. Song nhờ Lưu hoàng hậu can thiệp nên Trần được xá tội và thăng chức. Năm sau, theo lời khuyên của Lưu hoàng hậu và Trần Nguyên Đạt, Lưu Thông đã sửa đổi hành vi của mình ở một mức độ nhất định.[5]

Hè năm 313, cháu trai của Tấn Hoài Đế là Tư Mã Nghiệp xưng đế ở Trường An, tức Tấn Mẫn Đế, song do binh lính yếu kém nên Hán không gặp phải một mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, động thái này đã thu hút được sự chú ý của Lưu Thông, và trong vài năm sau đó, Trường An trở thành mục tiêu chính của quân Hán.

Ngày Kỉ Sửu tháng 1 năm Giáp Tuất (19 tháng 2 năm 314), Lưu hoàng hậu mất, và từ thời điểm này, hoàng cung của Lưu Thông tranh sủng, mất đi trật tự.[6]